Chủ tịch hiệp hội BĐS Tp.HCM: Hoàn toàn có thể giảm giá BĐS thêm 30%

  Trong bản tài liệu gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã chỉ ra những ưu và khuyết điểm của thị trường bất động sản, cũng như thực trạng thị trường hiện nay.

Ông Châu nhận định bất động sản là một ngành kinh tế xương xống của nền kinh tế Việt Nam, ông ví thị trường bất động sản vừa như là con chim báo bão, vừa là con én báo hiệu mùa xuân về…Bất động sản là ngành sản xuất ra loại hàng hóa đặc biệt có giá trị cao.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay (trừ năm 2010) thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, đình trệ. Riêng năm 2012 là năm thị trường gặp nhiều khó khăn nhất với 2 vấn nạn bao trùm đó là tồn kho lớn và nợ xấu lớn.

Bên cạnh đó, là sự  mất niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường ngày một lớn, kỳ vọng của đông đảo người thu nhập thấp tại đô thị có được ngôi nhà mơ ước ngày càng xa vời.

Đánh giá về thị trường bất động sản trong những năm qua với nhiều thách thức và khó khăn, cộng với đó là niềm tin thị trường giảm sút nghiêm trọng, tình trạng nợ xấu khiến hệ thống tài chính bất ổn,…những ông Châu vẫn chỉ ra những điểm sáng mà thị trường đang hướng đến.

Nhà giá trung bình sẽ làm ấm thị trường 2013

Đó là phân khúc căn hộ giá trung bình thấp, diện tích vừa phải vẫn có chỗ đứng và một số dự án căn hộ cao cấp được đầu tư bài bản với tiện ích tốt, thân thiện môi trường vẫn được thị trường đón nhận.

Điểm sáng đó mới chỉ le lói trong bức tranh u ám bao trùm lên toàn thị trường. Ngoài thực trạng chung như vậy, một trong nhiều nguyên nhân khiến thị trường vấp phải những thách thực và hệ lụy hiện nay, và đã “bóp chết” không ít doanh nghiệp mà theo số liệu thống kê đến nay có đến gần 2.700 DN phải giải thể, phá sản.

Ông Châu cho rằng, chính sách lãi suất cho vay quá cao hiện nay đang bóp chết hầu hết doanh nghiệp vì huy động vốn chỉ là 8% nhưng doanh nghiệp thường phải vay là 18-19%. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã phải “cắt lỗ”, tự cứu mình, bán tháo bất động sản để rút khỏi “cuộc chơi”.

Bên cạnh lãi suất cao khiến chi phí tài chính bị đội lên rất cao trong nhiều năm qua khiến không ít DN buộc phải phá sản. Có tới 6 chi phí khác được ông Châu liệt kê ra như tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng, thuế, phí, cấp điện nước, thủ tục hành chính nhiêu khê, bất hợp lý khiến giá nhà quá cao.

Ông Châu nói: “Nếu giải quyết được các vấn đề này thì các doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng giá nhà ở xuống 30%. Ngoài ra, cần phát triển thị trường nhà cho thuê mức giá bình dân 2 triệu đồng mỗi tháng, hoặc nhà bán trả góp dài hạn với lãi suất 6-8% một năm.”

Theo nhận định của chủ tịch HeREA, thị trường hiện nay thuộc về người tiêu dùng, khách hàng là trung tâm của thị trường với nhiều lựa chọn, giá bất động sản chưa khi nào hợp lý như hiện nay, với nhiều phương thức thanh toán linh hoạt.